Thông tin sức khỏe

Những lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ gần như là sự kết hợp hoàn hảo giữa vitamin, protein và chất béo giúp bé phát triển hoàn hảo. Vậy những lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Sữa mẹ chứa đầy đủ chất dinh dưỡng giúp bé phát triển toàn diện, đồng thời giúp bé dễ tiêu hóa hơn bất kỳ các loại sữa công thức nào.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục ngay cả sau khi cho bé ăn dặm, cho đến ít nhất 1 tuổi.

Và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn bởi những lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại như:

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ

  • Sữa mẹ là nguồn cung cấp ding dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh

Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh

Hầu hết các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu hoặc hơn. Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, vú của mẹ tiết ra một chất lỏng đặc và có màu vàng gọi là sữa non, chứa nhiều protein, ít đường, sữa này giúp hệ tiêu hóa non nớt của trẻ phát triển tốt hơn, tiếp theo những ngày sau đó, vú của mẹ bắt đầu sản xuất lượng sữa lớn hơn khi dạ dày của em bé phát triển.

  • Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể tốt cho hệ miễn dịch của trẻ

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại virus và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Đặc biệt, trong sữa non những ngày đầu cung cấp một lượng lớn immunoglobulin A (IgA), bảo vệ bé khỏi các tác nhân gây hại, và giúp hệ thống tiêu hóa của bé phát triển tốt hơn.

Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ

  • Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh

Cho con bú bằng sữa mẹ có thể giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh như viên tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hóa, cảm lạnh, dị ứng,….

Đồng thời nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

  • Sữa mẹ giúp bé phát triển cân nặng đều đặn khỏe mạnh

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp thúc đẩy tăng cân lành mạnh và giúp ngăn ngừa béo phì ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài hơn 4 tháng giảm đáng kể nguy cơ trẻ bị thừa cân và béo phì. Điều này có thể là do trong sữa mẹ có nhiều leptin – hormone quan trọng điều chỉnh sự thèm ăn và lưu trữ chất béo.

Sữa mẹ giúp phát triển cân nặng đều đặn, khỏe mạnh

  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ thông minh hơn

Trong một số nghiên cứu, nuôi con bằng sữa mẹ giúp bé phát triển chỉ số IQ cao hơn trong thời thơ ấu sau này. Hơn nữa, sự gần gũi về thể chất, tiếp xúc da thịt và giao tiếp bằng mắt đều giúp bé gắn kết với bạn và cảm thấy an tâm.

Lợi ích cho người mẹ khi cho con bú

  • Cho con bú có thể giúp mẹ giảm cân

Cho con bú giúp đốt cháy calo nhiều hơn, từ đó giúp mẹ giảm cân một cách dễ dàng.

  • Cho con bú bằng sữa mẹ giúp tử cung co lại

Khi mang thai, tử cung của bạn phát triển, mở rộng. Sau khi sinh, tử cung phải trải qua một quá trình thì mới có thể trở về như ban đầu. Trong thời kì cho con bú lượng oxytocin tăng giúp tử cung co thắt để trở về như ban đầu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những bà mẹ cho con bú thường ít mất máu hơn sau sinh và tử cung cũng hồi phục nhanh hơn.

  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ mắc trầm cảm và các bệnh khác

Trầm cẩm sau sinh (PPD) là một loại trầm cảm có thể phát triển ngay sau khi sinh con. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ dường như ít bị trầm cảm sau sinh hơn so với mẹ không cho con bú bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ trầm cảm

Đồng thời nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, mỡ máu cao, ung thư vú, ung thư buồng trứng và giảm nguy cơ loãng xương.

Những lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ là vô cùng to lớn, không chỉ mang lại lợi ích riêng cho trẻ mà còn cả những lợi ích cho mẹ mà không thể phủ nhận. Vì vậy, để bé được phát triển tốt và toàn diện đừng quên dòng sữa mát lành từ mẹ nhé!

Tham khảo

webmd.com/parenting/baby/nursing-basics#1

healthline.com/health/breastfeeding